Tại Sao Ta Thường Làm Tổn Thương Người Mình Yêu

Người ta nói rằng trên đời này không tồn tại một tình yêu hoàn toàn hạnh phúc. Thật vậy, trong một cuộc khảo sát với hơn 500 cặp tình nhân, hầu hết đều thừa nhận rằng tình yêu đam mê là một trải nghiệm đan xen cay đắng lẫn ngọt ngào. Tương tự như vậy, người ta phát hiện ra rằng, những người có tâm lý phòng thủ thấp thường có nhiều trải nghiệm về tình yêu hơn những người phòng thủ cao. Sự liên hệ này cho thấy: yêu là làm cho mình dễ bị tổn thương theo hướng làm tăng khả năng bị đau khổ.

Có nhiều cách giải thích cho việc người ta dễ dàng vô tình gây tổn thương cho người mình yêu. Tuy nhiên, giải thích cho việc cố ý làm tổn thương người mình yêu thì phức tạp hơn nhiều. Chắc chắn, một trong số những yếu tố chính của việc cố tình làm tổn thương người mình yêu có liên quan đến vai trò trung tâm của sự phụ thuộc lẫn nhau trong tình yêu.

Sự phụ thuộc lẫn nhau có thể tồn tại ở mức độ không phù hợp: Những người yêu nhau có thể xem sự phụ thuộc của họ vào đối phương là quá nhiều hoặc quá ít. Làm tổn thương người mình yêu là phương cách cuối cùng để trả sự phụ thuộc về đúng mức độ thích hợp của nó.

Đây là loại hành vi thường xuyên xảy ra trong mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ: trẻ em thường làm tổn thương cha mẹ để thể hiện sự độc lập của chúng. Hành vi này cũng là một phần của tình yêu lãng mạn trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau có thể đe dọa đến sự độc lập của mỗi người. Đôi khi những người yêu nhau làm tổn thương một nửa của mình để thể hiện sự độc lập của bản thân. Tuy nhiên, đôi lúc việc làm đau lòng người mình yêu cũng thể hiện một mong muốn trái ngược: mong được quan tâm và phụ thuộc nhiều hơn. Bằng cách làm tổn thương người mình yêu, những người đang yêu muốn nhắn nhủ rằng: mối quan hệ tương hỗ, đặc biệt là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ, nên được thay đổi. Làm tổn thương nửa kia có thể là hồi chuông cảnh báo cuối cùng về những khó khăn của bản thân. Đó là một biện pháp đặc biệt mang tính cấp thiết.

Một biện pháp ít đặc biệt và phổ biến hơn được sử dụng: Đó là sự u sầu, ủ rũ, có thể đóng vai trò như một hồi chuông cảnh báo về sự mặn nồng của mối quan hệ. Tình yêu là một quá trình năng động, đòi hỏi hai bên thích ứng lẫn nhau, nhưng không phải tất cả các quá trình thích ứng đều suôn sẻ và thú vị- việc gây tổn thương cho người mình yêu là một ví dụ điển hình.

Có một kiến giải khác cho rằng việc gây tổn thương cho người mình yêu có liên quan đến việc “quá quan tâm” trong tình yêu. Bởi vì quá quan tâm đến người mình yêu và mối quan hệ đôi bên nên họ không thể thờ ơ với bất cứ thứ gì, bất kể việc đó có thể làm tổn thương đến người mình yêu. Nhưng xét một cách toàn diện, điều này được xem là có lợi. Đây là một khía cạnh đau lòng của sự quan tâm: Một mối quan hệ thân thiết tồn tại giữa những người vừa biết tương trợ, vừa biết gây tổn thương cho nhau. Vì vậy, việc cải thiện chất lượng và mức độ hạnh phúc cho cuộc sống đôi lúc đòi hỏi chúng ta phải chịu đựng, và việc mang đến hạnh phúc cho người mình yêu cũng đòi hỏi sự tồn tại của khổ đau.

Đối với những người yêu mình mà mình không yêu lại, ta có thể thờ ơ không quan tâm đến họ. Vì vậy, ta không thèm bận tâm đến việc giúp đỡ họ bằng cách làm cho họ đau lòng. Do đó, những người yêu nhau thường muốn làm tổn thương người mình yêu hơn là bị đối xử thờ ơ, lãnh đạm. Có một câu nói rằng “Những người yêu nhau thích nỗi thống khổ mà người yêu của họ gây ra hơn là sự thờ ơ vô cảm. Tương tự như vậy, lại có người nói rằng thà làm tan nát trái tim ai đó còn hơn là không làm gì cả. Đối với những người gần gũi, thân yêu, chúng ta thích được giận hơn là bị phớt lờ.

Tôi không muốn lặp lại câu nói của Oscar Wilde rằng “Con người giết chết những thứ mà họ yêu thích”. Nhưng việc làm tổn thương người mình yêu là điều có thể giải thích được. Chính vì người mình yêu là nguồn hạnh phúc bất tận, nên chính họ cũng là nguồn đe dọa đến hạnh phúc của ta: Chính người ta yêu có thể hủy hoại hạnh phúc của ta khủng khiếp hơn bất kỳ người nào khác. Sự bình yên trong tình yêu luôn đồng hành với nỗi sợ mất đi sự bình yên đó. Cảm giác hạnh phúc thường ràng buộc với cảm giác lo sợ mất đi hạnh phúc đó. Quan tâm đến người yêu đôi khi đi kèm với việc làm tổn thương người yêu.

Tình yêu luôn liên hệ chặt chẽ với sự dễ tổn thương, khả năng gây tổn thương và chịu tổn thương. Mặc dù có một số tổn thương trong tình yêu là cố ý, hầu hết là vô tình.

Tuy nhiên, khi ai đó cố tình làm tổn thương người mình yêu thì đồng thời họ cũng có nhu cầu yêu thương người đó. Hiện tượng mâu thuẫn trong cảm xúc, xuất phát từ việc tồn tại 2 quan điểm đánh giá khác nhau: Sự phụ thuộc lẫn nhau và quá quan tâm trong tình yêu.

Các kiến giải trên có thể được tóm gọn trong lời bày tỏ sau của một người đang yêu:

“Anh yêu, mặc dù bài viết này đã cho anh một số biện minh để làm tổn thương em, em vẫn không chắc rằng anh làm điều đó vì tình yêu sâu sắc mà anh dành cho em”.

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *